logo

Quá trình lịch sử sản xuất lúa gạo trên đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều thời đại và các nền văn hóa từ nguyên thủy đến hiện đại. Các cư dân nguyên thủy phải sống với nhiều thử thách lớn, tranh đấu từng ngày với môi trường thiên nhiên để sinh tồn và tiến bộ. Họ phát triển đời sống của mình và cộng đồng dựa trên óc sáng tạo, sức chịu đựng và kinh nghiệm mưu sinh. Từ thời nguyên thủy, nghề nông đã giúp họ đạt đến đời sống ổn định, cộng đồng làng ấp có tổ chức, tiến bộ lâu dài, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác không ngừng trong 10.000 năm qua.

Đối với người Mường hiện nay ở xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình vẫn đang cố gắng gìn giữ một giống lúa nếp cổ, có chất lượng tuyệt hảo. Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Miền Đồi đang nỗ lực nhân rộng và phát triển giống nếp này thành thương hiệu “Gạo nếp trứng khe”.

Theo những người già kể lại thì người Mường quý và ưa dùng các giống lúa nếp, nhất là giống luá nếp cái, tiếng mường gọi là “Tlởng khe”, nghĩa là “Trứng khe”. Từ này có nghĩa đen là là trứng con ngóe. Có lẽ hạt gạo “Tlởng khe - Trứng khe” tròn và hơi nhỏ nên dân gian mới đặt tên như vậy. Họ bảo rằng con ngóe có màu vàng giống màu thóc “Tlởng khe”. Con ngóe cũng sinh sôi nảy nở nhiều trên ruộng mùa là ruộng một vụ mùa để dành cấy các giống lúa nếp quý và mùa sinh sôi của nó cũng đúng vào vụ sấm dậy, mưa rào. Con cháu của đàn ngóe nhiều như hạt thóc là để diệt sâu bọ, đảm bảo cho vụ mùa trĩu nặng, bông nếp thơm ngon.

Nếu để ý kỹ, mọi người có thể thấy ở mỗi đầu hạt gạo nếp có một mắt khuyên rất rõ, vừa sâu, vừa trong, vừa sậm mầu như mắt ngọc rất sinh động. Thân gạo tròn, trắng sữa những cảm giác sáng và trong. Gạo có mùi thơm ngọt, tươi mới, cảm giác hương đất núi rất mộc và thanh.

Gạo nếp trứng khe khi nấu lên đem lại vị giác thanh mát, dịu nhẹ như gạo tẻ nhưng lại thơm ngát, ngọt ngào, rất hấp dẫn. Gạo nếp nói chung và gạo nếp trứng khe nói riêng là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa protein, tinh bột, đường, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ. Gạo nếp này ngon nhất khi đồ. Bà con người Mường thường đem gạo ngâm trong nước lã 5 đến 6 giờ đồng hồ, vớt gạo ra cái “Koch” (dụng cụ đan bằng tre, hình phễu) cho ráo nước. Sau đó bỏ gạo vào “hông” (chõ bằng gỗ khoét), đặt “hông” trên cái “biểng” (cái nồi đun nước sôi để lấy hơn đồ cơm. Cái nồi đó có hình dong dỏng và trên miệng có mộng để đặt vừa khít cái “hông”). Trên miệng “hông” kín vừa mà không ngưng tụ hơi nước rơi trở lại, không làm nhão cơm, đồ một lúc cơm dẻo là chín. Người ta dỡ cơm xôi ra một cái “bâm” (cái nong nhỏ đan bằng toàn nan cật bương, có chân bằng gỗ) đậy lá chuối, lá sung. “Cầm tũa thay tăm, nẳm cơm thau chiêu” (cầm đũa tay phải, nắm cơm tay trái). Vừa ăn, vừa nắm cho nắm cơm rền, hạt dính vào nhau. Người Mường hay ăn cơm nếp với thịt gà, nên mới có câu “Cơm móc chóc ca”, hoặc câu:

                             “ Cơm đếp tắp nẫm nà.

                                Tùi ca põng cọc”.

Nghĩa là cơm nếp như bờ ruộng, đùi gà như cái cọc đóng vào bờ ruộng cho chắc. Hai câu đó nói lên ước mơ bình dị của người dân Mường muốn có một cuộc sống no đủ, ngon lành và cũng nói lên khẩu vị của họ là cơm nếp đi đôi với thịt gà. Đối với người Mường, cơm nếp không thể thiếu trong lễ dâng cúng tổ tiên, thần thánh, ma quỷ và cả vía người. Tục thờ bằng cơm nếp cũng nói lên tổ tiên xa xưa của người Mường ăn cơm nếp là chính. Vì vậy cơm nếp không thể thiếu được trong văn hóa ẩm thực dân gian Mường.

Có thể thấy, gạo nếp trứng khe gắn với lịch sử, văn hóa ẩm thực của người Mường. Vì lẽ đó, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Miền Đồi càng quyết tâm nhân rộng diện tích trồng loại nếp này, góp phần bảo tồn giống lúa cổ quý giá và biến sản phẩm Gạo nếp trứng khe thành sản phẩm đặc sản mang đậm giá trị của người Mường xưa.

 

 

 

G

0355663320